Giấc mơ của con...

Tuổi thơ từ tro bếp của những nồi bánh chưng, bánh tét lấm láp mà nên người, để rồi khi trưởng thành, Nguyễn Đức Tín quay về gắn bó, ấp ủ giấc mơ lưu giữ, mang hương vị bánh quê nhà bay cao, bay xa…

· 6 phút đọc
Giấc mơ của con...
Nhà xưởng sản xuất bánh của gia đình anh Nguyễn Đức Tín luôn đảm bảo quy trình khép kín, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: K.L

Từ nồi bánh của cha…

Hơn 25 năm, kể từ ngày bén duyên với nghề, căn bếp nhỏ của ông Nguyễn Đức Hoàng (71 tuổi, ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) chưa ngày nào thôi tắt lửa. Tôi ghé nhà ông trong buổi chiều tà. Từ xa, từng dải khói lam len lỏi qua kẽ ngói, vương vấn trên chái bếp rồi mang theo hương vị của những món bánh đặc trưng ngày tết tỏa thơm khoảng trời miền quê.

Ông Hoàng chia sẻ, ngày trước, khi còn chật vật quẩn quanh với mấy sào ruộng, một lần ông được hàng xóm gọi nhờ gói bánh tét. Tết năm nào nhà cũng gói bánh tét, bánh chưng nên món này ông khá rành. Thấy ông gói bánh chưng thì vuông vức đẹp mắt, gói bánh tét thì tròn đều chắc tay, nên nhiều nhà nhờ gói giúp. Riết rồi mọi người động viên ông mở nghề nấu bánh.

Sẵn có khiếu, cộng với bản tính cần cù, chịu khó và cẩn trọng với nghề nên những chiếc bánh từ lò ông Hai Hoàng được nhiều người ưu chuộng. Tuy vậy, để “sống” được với nghề đòi hỏi số lượng xuất bán phải đảm bảo, khách hàng không chỉ giới hạn là bà con láng giềng mà phải trải đều khắp nơi, bánh nấu ra làm sao phải đến được rồi quay trở lại với bàn ăn của các gia đình.

Vì thế, ông rất chú trọng chất lượng sản phẩm, lặn lội tìm kiếm nguyên liệu đảm bảo chất lượng, như thịt heo quê, nếp bầu Tam Mỹ để bánh được dẻo, thơm hơn; đồng thời cẩn thận tỉ mỉ trong từng công đoạn từ gói, nấu đến cách bảo quản sản phẩm.

Anh Nguyễn Đức Tín nhận giải thưởng cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2022.
Anh Nguyễn Đức Tín nhận giải thưởng cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2022.

Thời buổi khó khăn, “chiến lược marketing” của vợ chồng ông Hoàng là đạp xe rong ruổi khắp nơi, là những buổi dậy sớm ngồi xổm trên những khu chợ để rao bán từng chiếc bánh. Nhờ kiên nhẫn, miệt mài nên dần dà, số nếp gói bánh cứ tăng dần lên, từ 5, lên 10 rồi đến 30 - 40kg/ngày, đỉnh điểm những ngày lễ, tết vợ chồng ông gói đến hàng trăm ký nếp.

“Nghề gói bánh, tuy bình dị là thế nhưng cũng đãi tôi “no cái bụng”. Mấy đứa con Toàn, Trung, Tín… cũng nhờ nguồn thu nhập đó mà lần lượt tốt nghiệp đại học. Vì thế, bánh tét, bánh chưng không chỉ là kế sinh nhai, mà nó đã trở thành một phần không thể thiếu của cả gia đình, luôn được chúng tôi trân trọng, giữ gìn, chăm chút và gói ghém bằng cả cái tình…” - ông Hoàng nói.

… viết giấc mơ của con

Với Nguyễn Đức Tín, lớn lên bên ánh lửa bập bùng và bóng cha lụi cụi canh chừng nồi bánh chưng, bánh tét luôn là một phần ký ức đẹp. Để rồi, khi thành công với nghề giáo, anh vẫn ấp ủ mong muốn lưu giữ, phát triển và nâng tầm vị bánh quê.

Ở tuổi 26, Tín tạm gác những thú vui tuổi thanh xuân, ngoài giờ lên lớp, anh lại quây quần cùng gia đình, phụ giúp cha nấu bánh. Nhờ tiếp cận xu hướng hiện đại, nhạy bén công nghệ thông tin nên Tín nhận thấy, để bánh chưng, bánh tét của gia đình phát triển hơn trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhất thiết phải cải tiến sản phẩm.

Được sự đồng ý và hỗ trợ từ cha, anh xây dựng nhà xưởng sản xuất bánh diện tích 250m2 theo quy trình khép kín; đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như nồi điện, máy chẻ lạt, máy hút chân không, máy đóng gói và tiệt trùng sản phẩm… Việc sử dụng máy móc thay thế một số công đoạn thủ công giúp cơ sở của Tín tăng nhanh năng suất và sản lượng sản phẩm, từ 3 - 4 tạ nếp/ngày thường lên đến 2 - 3 tấn nếp/ngày tết.

Anh Tín còn biến tấu bánh thành những sản phẩm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên mang nhiều hương vị khác nhau như bánh nếp cẩm, bánh hoa đậu biếc… vừa tạo màu sắc, mẫu mã đẹp mắt vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Dù giá thành cao hơn sản phẩm truyền thống 10 - 15 nghìn đồng/chiếc (khoảng 55 - 75 nghìn đồng/chiếc) nhưng các loại bánh “cách tân” vẫn được nhiều người lựa chọn, là động lực giúp anh Tín vượt qua những rào cản khó khăn về nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng, về vốn đầu tư và đội thợ lành nghề… tiếp tục gắn bó, đầu tư, phát triển với nghề.

“Bí quyết làm bánh ngon của gia đình là ở khâu chọn nguyên liệu, nếp làm bánh phải sáp nguyên chất, đem vo sạch để ráo, trộn đều với nước ép hoa đậu biết, nếp cẩm để tạo màu tươi và mùi thơm tự nhiên dễ chịu. Công đoạn gói bánh, nấu bánh phải làm đúng kỹ thuật, cột dây vừa đủ chặt, đun đủ lửa, lửa phải đều trong nhiều giờ liền… kết hợp với máy hút chân không kéo dài thời gian bảo quản 10 - 15 ngày vẫn không bị hỏng” - anh Tín cho biết.

Không dừng lại ở đó, để sản phẩm vượt ra ngoài khuôn khổ chợ, quán ăn hay trạm dừng chân, anh Tín thành lập Công ty TNHH Trí Tín Thịnh, xây dựng thương hiệu “Bánh tét Vinacake” để chinh phục những thị trường khó tính khác như siêu thị, trung tâm thương mại, thậm chí là thị trường ngoài nước.

Sau thời gian hoạt động, những kết quả bước đầu như Giải Nhì Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2022; Chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh là minh chứng thành công cho quyết định dám nghĩ dám làm và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nguyễn Đức Tín.

Sẻ chia về hành trình của mình, anh Tín nói: “Nối nghề làm bánh của cha là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với mình. Thế nên tôi luôn tự nhủ bản thân phải biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để những chiếc bánh làm ra, dù mang dáng dấp mới mẻ nhưng vẫn in đậm hương vị riêng mà hàng chục năm nay cha đã đúc kết kinh nghiệm.

Có như thế, người mua mới cảm nhận được rõ nét những hương vị gần gũi mà tinh tế, lịch lãm mà tài hoa… của chiếc bánh tét “ông Hai Hoàng” đã đồng hành với nhiều nhà qua bao mùa tết…”.

KIỀU LY

Bài viết gốc: https://baoquangnam.vn/khoi-nghiep/giac-mo-cua-con-138813.html