Đầu năm 2022, anh Nguyễn Tiến Mạnh (thôn Long Thành, xã Tam Tiến) mạnh dạn đầu tư sản xuất thành công sản phẩm “Chả cá mối Tam Tiến” và đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Anh Mạnh chia sẻ: “Với nguồn vốn ít ỏi, tôi nhờ gia đình vay thêm 300 triệu đồng đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất trên diện tích 100m2, cho ra sản phẩm chả cá mối hoàn hảo gồm nguyên liệu đơn giản như thịt cá, bột canh, hành tỏi Lý Sơn, ớt A Riêu và tiêu Quế Sơn. Hiện tôi đang nâng cấp sản phẩm này và tiếp tục chế biến các mặt hàng đặc sản biển khác”.
Trong số 22 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của Núi Thành có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, năm 2023, huyện đề ra kế hoạch phát triển thêm 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên và 1 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Huyện đang tiếp tục tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu được vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó tích cực tham gia, quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP.
Đồng thời huyện hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn các chủ thể triển khai phương án/kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đáp ứng các quy định về bao bì, ghi nhãn mác hàng hóa, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm, lập hồ sơ minh chứng...
Năm 2023, Núi Thành có 5 sản phẩm OCOP được xây dựng là “Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa” của Hợp tác xã Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam; “Nước yến đóng hũ”, “Tổ yến sấy khô” của Công ty TNHH Xây dựng - thương mại phát triển Lê Huỳnh (Tam Tiến); “Tinh dầu tràm Út Anh” của hộ kinh doanh Út Anh (Tam Anh Nam); “Nước mắm Cô Chung” của hộ kinh doanh Trần Thị Chung (xã Tam Hải); “Chả gà đồi Tam Thạnh” của hộ kinh doanh Võ Hồng Tri (Tam Thạnh).
Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương có tiềm năng lớn về các sản phẩm đặc trưng, có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP. Huyện sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng về nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động, khả năng đầu tư phát triển sản phẩm OCOP.
Ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động tại chỗ, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, Organic, HACCP, ISO...
Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến. Đồng thời phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường…